Tĩnh Lặng

1

Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự Tĩnh Lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy. Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.

Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ. Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.

Dù ta cố gắng có mặt trong giây phút hiện tại thì tâm ta cũng tán loạn và thấy trống vắng như có một khoảng trống lớn trong ta vậy. Có thể ta chờ đợi, trông mong điều gì đó xảy ra cho cuộc sống của ta hào hứng hơn, sôi nổi hơn. Ta trông chờ điều gì đó có thể thay đổi hoàn cảnh của ta, vì cuộc sống hiện tại của ta quá chán nản, chẳng có gì đặc biệt và thú vị.

Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng. Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.”

Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, những tiếng độc thoại về quá khứ, tương lai hay những mong cầu về điều gì đó.

Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta:

“Tôi đang có mặt đây, tôi đang có tự do và đang nghe em đây.”

“Tôi đang có mặt đây” nghĩa là gì? Nghĩa là “Tôi đang sống. Tôi đang thật sự có mặt, bởi vì tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn bên trong cũng như tiếng ồn bên ngoài.

Tôi đang có mặt.” Để thực sự có mặt, ta phải có tự do, vượt thoát những suy nghĩ, vượt thoát những lo lắng, vượt thoát những sợ hãi và mong cầu. “Tôi đang có tự do” là một lời tuyên bố rất hùng hồn, bởi vì sự thật là nhiều người trong chúng ta không có tự do. Ta không có tự do để nghe, để thấy và để có mặt.

Thông tin tác giả
Tác giả Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình.

Thiền sư sinh năm 1926 tại Thừa Thiên – Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo. Ông xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi tại chùa Từ Hiếu. Thiền sư tốt nghiệp viện Phật học Bảo Quốc, tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 23 tuổi. Ông vừa là thiền sư vừa là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ông về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và một số phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận mới đối với thiền.

Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” trong cuốn “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa”. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn”.

“Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền”, ông nhấn mạnh.

Năm 1956, ông làm Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thập niên 1960, ông lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp dựng lại các làng bị đánh bom, xây trường học, trạm xá, và hỗ trợ những gia đình vô gia cư sau chiến tranh ở Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường tư thục danh tiếng, tập trung nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4/1965, đoàn sinh viên trường Vạn Hạnh đưa ra “lời kêu gọi vì hoà bình”, với nội dung chính là thúc giục hai miền Nam – Bắc tìm “giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho người dân Việt Nam cuộc sống hòa bình với lòng tôn trọng lẫn nhau”.

Thiền sư Thích Nhất hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ông vẫn là vận động cho hòa bình.

Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. “Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức. Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây. Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc”, Thiền sư viết trong cuốn sách “Quyền lực đích thực”. Ông cho rằng thực hành Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng.

Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Chúa trong ta…

Cuộc đời ông gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình nhưng năm đó không ai được trao giải.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết khi ông “đã không thể tin nổi” khi nghe tin King bị ám sát vào năm 1968. “Tôi nghĩ người Mỹ đã tạo ra King nhưng lại không bảo vệ được ông ấy. Tôi có chút tức giận vào thời điểm đó. Tôi không ăn, không ngủ. Nhưng quyết tâm làm việc, xây dựng cộng đồng vẫn tiếp tục”.
Ông tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp ôn hòa cho các mâu thuẫn. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người, theo Christian Science Monitor.
Tháng 5/2013, trong một buổi diễn thuyết kéo dài 3 giờ tại sân vận động ở Hàn Quốc, Thiền sư đã bàn về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. “Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng”.

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc “biết lắng nghe”. Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.

Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan”, cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh.

Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, ông được mời về Việt Nam với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính. Năm 2014, Thiền sư trải qua quá trình hôn mê do xuất huyết não. Sau khi phục hồi, Thiền sư năm 2016 từ Pháp đến tính dưỡng ở Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan để được gần quê hương hơn. Năm 2017, ông một lần nữa trở lại Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết ra năm 2009. Huffington Post hồi cuối năm 2012 gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “con người điềm đạm nhất thế giới”.

Oprah Winfrey, người dẫn chương trình truyền hình Mỹ từng có cuộc phỏng vấn ông năm 2009, ca ngợi những chỉ giảng của ông có tác dụng truyền cảm hứng cho mọi người. “Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc”, bà chia sẻ một câu nói.

*
*

. Tĩnh Lặng . . – . | .


1
Ebook Tĩnh Lặng đã không còn được cung cấp vì các lí do bản quyền. Nhưng bạn vẫn có thể mua Tĩnh Lặng với giá rẻ nhất bằng cách click vào liên kết bên dưới.


Link Sách #1


Link Sách #2


Link Sách #3



Đăng Ký Thành Viên Và Nhận Ebook Qua Email


3

Trả lời